Toàn cảnh di tích nhà thờ cổ Tộc Trần
Khoảng 200 năm về trước, cụ Trần Tứ Nhạc là một vị quan ưu tú và thông thái, do vậy, rất được vua Gia Long trọng dụng. Cuối năm 1802, vua cử ông và một số người khác đi sứ Trung Quốc. Trước khi đi sứ, ông đã cho tạo lập nhà thờ tộc Trần cho các hậu bối sau này và cũng để báo hiếu thờ phụng tiên tổ. Ngày nay, gia đình vẫn còn lưu giữ hai di vật của ông là thanh kiếm và bộ triện.
Cũng như nhiều ngôi nhà khác trong phố cổ Hội An, nhà thờ tộc Trần được làm gỗ, có rèm chạm sát mái, và lợp ngói âm dương... Tuy nhiên, nhà thờ còn mang nhiều nét riêng biệt, gây ấn tượng với nhiều du khách. Đó là nó tọa lạc trong khu vườn có diện tích 1.500 m2, cây cỏ tốt tươi, có bờ tường cao bao bọc xung quanh. Bên trong nhà, nhiều lồng đèn chiếu sáng được treo lên, tỏa ra ánh sáng ngời tỏ, chiếu cả ngoài sân, nhất là buổi tối nhiều từ ngoài trông rất đẹp.
Được chia làm 2 phần, phần chính thờ cúng và phần phụ là chỗ ở của trưởng tộc và những người trong họ. Toàn bộ rất cân xứng và tuân thủ theo thuật phong thủy nghiêm ngặt.
Gian thờ cúng trang nghiêm được trân trọng dành nhiều diện tích nhất, lại ở vị trí trung tâm, bài trí trang trọng, phía trên cao và thoáng. Gian này gồm 3 cửa, với 2 cửa dành cho nam, nữ tộc, còn cửa chính dành cho ông bà, chỉ mở trong những dịp lễ hội, ngày tết đặc biệt. Phía trong có đặt bàn thờ, có hình quan Tứ Nhạc mặc triều phục uy nghi. Trước bài vị là đôi đèn lồng luôn được thắp sáng trong nhà, và chiếc lư đồng to lớn nghi ngút hương khói quanh năm..
Có một ngạch cửa nối liền gian phòng khách và gian thờ cúng được sử dụng như chướng ngại vật, nhắc mọi người khi vào bên trong phải cúi đầu làm lễ. Sau Nhà thờ cổ tộc Trần là mảnh vườn với mô đất cao, được xem là nơi để "chôn nhau cắt rốn" của dòng họ, ở trung tâm vườn còn có trồng một cây khế ngọt với tuổi thọ 200 tuổi, bằng tuổi ngôi nhà.
Vào một ngày định kỳ hằng năm, toàn bộ thành viên trong dòng họ đều tập trung lại ở Nhà thờ cổ tộc Trần, cùng nhau hương khói để tỏ lòng kính cẩn, biết ơn trước tổ tiên. Đây cũng là lúc mọi người hâm nóng lại tình cảm để thêm gắn bó, đoàn kết và răn dạy thế hệ sau đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.