Nằm trên phố Trần Phú, Hội An và được hình thành từ thế kỉ XVI, Hội quán Phúc Kiến vừa là một di tích lịch sử có niên đại lâu đời, vừa là một công trình kiến trúc điển hình của thành phố Hội An. Hội quán dùng làm nơi thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu và các vị thần bảo hộ. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi tụ họp đồng hương của người Phúc Kiến, những người tới Hội An sớm nhất vào thời bấy giờ.
Diện mạo khang trang, lộng lẫy như ngày nay của Hội quán là kết quả của rất nhiều lần trùng tu, tôn tạo với sự góp sức của những đồng bào Hoa kiều, làm nên vẻ đẹp độc đáo của toàn bộ khu đô thị cổ Hội An.
Hội quán Phúc Kiến được xem là có không gian rộng và đẹp nhất trong các Hội quán ở Hội An. Đầu tiên công trình được làm bằng gỗ nhưng về sau được trùng tu lại bằng gạch và mái ngói.
Đến đây, đặt chân vào cổng tam quan của Hội quán, bạn sẽ thấy ngay một sân vườn lớn với một đài phun nước chạm rồng rất độc đáo và tinh tế, nằm cạnh những pho tượng trang nghiêm và những vườn cây tỏa bóng mát. Được chiêm ngưỡng những bức bích hoạ về lịch sử vùng Phúc Kiến, những hoạ tiết chạm khắc đầy nghệ thuật trên những bức bình thuộc khuôn viên hội quán, những chi tiết tinh xảo, phức tạp và một lối kiến trúc cổ vô cùng độc đáo.
Gian chính điện Hội quán Phúc Kiến sở hữu tượng các vị hộ thần, nổi bật nhất là bức tượng Thiên Hậu linh thiêng, uy nghi với tư thế thiền trầm mặc. Vào ngày 23 tháng 3 thường niên, người Hoa tại đây lại tổ chức lễ vía Bà Thiên Hậu cùng nhiều hoạt động hấp dẫn nhiều du khách ghé thăm.
Đến hậu tẩm, du khách thường hay thắp những vòng hương lớn để cầu chúc sức khoẻ và tài lộc cho gia đình. Những người đến đây thờ cúng thường viết lên một tờ giấy có ghi thông tin của gia đình đặt trên các khoanh hương để cầu mong mọi việc trong cuộc sống luôn suôn sẻ. Những vòng hương lớn được người tham quan thắp có thể cháy đến 30 ngày, sau khi chúng chấy hết, người của Hội quán sẽ đốt những mảnh giấy thông tin của họ, để được linh thiêng.