Tọa lạc ngay bên bờ sông Thu Bồn, Làng gốm Thanh Hà thuộc phường Thanh Hà, cách Hội An hơn 3 cây số về hướng Tây. Theo ghi chép, khoảng đầu thế kỷ 16, người dân từ vùng Thanh Hóa chuyển vào xứ Quảng mang theo nghề gốm dựng làng, xây lò, sản xuất những loại gốm gia dụng như nồi, bát, đĩa, ấm chén cung cấp cho cả một khu vực miền Trung Trung Bộ lúc bấy giờ.
Khoảng thế kỷ 17 – 18 là thời gian phát triển thịnh vượng nhất của gốm Thanh Hà gắn với thương cảng Hội An. Những sản phẩm của làng gốm được phân phối ra khắp vùng xứ Quảng, Thừa Thiên, thậm chí còn vượt đại dương đến Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha.
Đất sét nâu dọc sông thu Bồn là nguyên liệu chính để tạo ra những sản phẩm gốm Thanh Hà tuyệt đẹp. Đất sét sẽ được lấy về, nhào nhuyễn, lấy kéo xén đất, cắt mỏng 3 đến 4 lần. Tiếp đến dùng sức người đạp đi đạp lại để tăng độ liên kết trước khi tạo dáng sản phẩm gốm. Khi chuốt đất (tạo hình sản phẩm) phải có hai người (thường do phụ nữ đảm nhận), một người đứng 1 chân còn chân kia đạp bàn xoay trong khi 2 tay nhào đất. Sau khi chuốt thành hình sẽ được đem ra phơi nắng. Trang trí họa tiết tùy theo từng mẫu sản phẩm. Những sản phẩm gốm đẹp ra đời từ bàn tay khéo léo, tỷ mẩn của những người thợ gốm Thanh Hà. Gốm Thanh Hà được nung toàn bộ bằng lò củi truyền thống. Mới đầu nhóm lửa khoảng 7-8 tiếng đồng hồ sau đó mới đốt thật lớn cho đến độ thì nghỉ lửa. Đi qua năm thế kỷ, đến nay gốm Thanh Hà vẫn giữ nguyên vẹn cách thức sản xuất thủ công độc nhất của mình: tạo hình bằng bàn xoay và tay, không có khuôn, không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống. Làm nên một bản sắc riêng, độc đáo.
Không những thế, người Thanh Hà nung gốm bằng kinh nghiệm và cảm giác trực quan về ngọn lửa chứ không không dùng đến các dụng cụ đo nhiệt. Những người làm nghề lâu năm chỉ cần nghe tiếng lửa réo, hơi nóng của lò phả ra cộng với thời gian đốt lò là biết gốm đã đủ độ chín hay chưa.
Đặc biệt hơn là gốm Thanh Hà vì không dùng men và hóa chất nào, mà chỉ dựa vào kinh nghiệm của người làm gốm khi pha trộn đất và sử dụng nhiệt độ nên sản phẩm sau nung có nhiều sắc độ màu khác nhau như vàng đỏ, đỏ gạch, nâu, hồng, đen...
Nhằm thỏa mãn nhu cầu thị trường, bên cạnh dòng sản phẩm truyền thống, các xưởng gốm ở Thanh Hà còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm tượng gốm mỹ thuật để phục vụ du khách và nhu cầu trang trí trong xây dựng.
Hiện nay, đến thăm làng gốm Thanh Hà, bạn sẽ được thỏa sức lựa chọn các đồ lưu niệm bằng gốm và được tận mắt nhìn thấy những kĩ thuật làm gốm truyền thống vừa dân dã nhưng cũng vừa điêu luyện của các nghệ nhân làng gốm.